ĐẾ SƯ
Chương 43: Lời nói đầy khí phách
Edit: Mimi – Beta: Ame
*****
Ngày Mậu Thân, tháng sáu, năm Hoằng Trị thứ mười tám, thừa dịp Hoằng Trị đế băng hà, cả nước khóc tang thảm thiết, tiểu vương tử thủ lĩnh Tác-ta xuất ra hơn vạn tinh binh, ngang nhiên gõ cửa biên giới Tuyên phủ.
Khác với trước kia, lần xâm nhập này Tác-ta đã có chuẩn bị, hoàn toàn không định cướp xong rồi chạy nữa. Tiểu vương tử dụng binh có tầm nhìn, tất cả những nơi núi sâu hiểm trở, rừng rậm cây nhiều đều được chọn để dựng trại, doanh trại của bọn chúng cứ thế mà trải dài đến hơn hai mươi dặm.
Bên trong doanh trại, người hô ngựa hí, nỏ tiễn chất đầy, đao quang chói mắt, nói chung là triệt để phô bày khí thế sẵn sàng chiến đấu lâu dài.
Mật thám không ngừng hồi báo, Tuần phủ Đô Ngự sử Lý Tiến và Thiêm sự Đô đốc tổng binh Trương Tuấn đều biết người tới không có ý tốt, tình huống vạn phần nguy cấp, nhưng vẫn không tránh được tranh cãi về vấn đề ứng chiến thế nào.
Lý Tiến chủ trương đắp tường kiên cố, tự phong bế biên giới cố thủ bên trong. đợi khi Tác-ta tiêu hao sức lực, lính mệt ngựa đói, sẽ bí mật đánh úp trại địch, xuất ra tinh binh bức địch thối lui.
Nhưng Trương Tuấn liên tục lắc đầu.
Thành trì bằng đá tuy vững chắc, miễn cưỡng có thể thủ vững được, song kỵ binh Tác-ta cũng không phải ngu ngốc, tự nhiên sẽ biết đi đường vòng. Nếu những quan ải nơi hẻm núi hoang vu bị công phá, vậy thì thôn dân vùng biên giới làm sao ngăn được gót sắt trường thương của bọn Tác-ta!
“Cố thủ trong thành mới là kế sách vẹn toàn.”
“Không được! Làm vậy không khác gì đẩy con dân vùng biên vào cơn nước lửa!”
“Nếu để ngoại xâm thừa cơ tiến quân thần tốc uy hiếp kinh thành, Trương tổng binh có thể gánh vác được không?”
“Chia quân ra mà phòng thủ, giúp đỡ lẫn nhau, mới là kế sách tốt nhất! Cố thủ trong thành làm rùa đen rút đầu, để mặc con dân bị giày xéo, cả ta và ngươi đều là tội nhân thiên cổ!”
Hai người ai cũng tự cho mình là đúng, cãi đến mặt đỏ tai hồng mà vẫn không rút ra kết quả, thậm chí những lời hàm hồ như “mãng phu” với “thư sinh không biết dụng binh” đều được phun ra, có vẻ như sắp tới sẽ bước vào một mà so vai đấu võ.
Đừng thấy Lý Ngự sử là quan văn mà lầm tưởng, một khi động thủ hắn cũng sẽ không chịu thiệt thòi.
Bàn tới tay không đấu vật, Lý Ngự sử tuyệt đối là nhân tài kiệt xuất giữa một đám nhân tài. Trải qua nhiều phen mưa gió trong triều, trừ hai vị Đô Ngự Sử ra thì hắn chính là tay đấm vô địch trong lục khoa Đô Sát viện. Dù sao thì, nếu sự cường hãn của hắn không đạt tới một cảnh giới nhất định, tất không được phái đến biên cương trọng địa, làm tuần phủ trọng trấn, thách thức với đám binh lính ngày ngày lấy máu rửa đao.
Thêm nữa, văn võ khác biệt.
Nếu thực sự đánh nhau, Lý Tiến có thể dốc toàn lực, quyền cước đấm đá loạn xạ một hồi, thậm chí răng miệng cũng có thể mang ra mà làm vũ khí.
Nhưng Trương Tuấn thì không.
Thân là Thiêm sự Đô đốc tổng binh, bất kể vung đao chém người hay là tay không đấm đá, lực đạo chắc chắn đều là hạng nhất. Hiện tại hai bên đều đang trong cơn nóng nảy, nếu không cẩn thận đánh cho Lý Ngự sử chết không kịp ngáp thì hắn có trăm cái miệng cũng không thể giải thích rõ ràng.
Hai người tranh cãi đến đỏ mặt tía tai, không bên nào chịu nhân nhượng, mấy lần muốn bắn tung cả nóc nhà, thật đúng là làm khổ đám tướng lĩnh có mặt trên đại đường.
Bạch Ngọc phạm pháp bị áp giải về kinh, vị trí Phó tổng binh đến nay vẫn chưa có ai thay thế. Tham tướng Lý Kê cùng Tướng quân du kích Trương Hùng muốn mở miệng khuyên can, thế nhưng cứ mỗi lần lời trào đến bên miệng lại một mực bị nuốt trở vào.
Lý Ngự sử và Trương Tổng binh náo loạn đến là lợi hại, nhưng sau cùng sẽ không động thủ, nếu mình lắm miệng nói vào, chắc chắn ghế sẽ bay tới, vỏ đao lập tức đập vào, lúc ấy dù có tím mắt rụng răng, cũng không có chỗ mà giải trình oan khuất.
Mắt thấy hai người kia cãi qua cãi lại làm chậm trễ chính sự, Lưu Thanh – thái giám trấn thủ Tuyên Phủ rốt cuộc không thể ngồi yên.
Quân tình khẩn cấp, hai vị còn định càn quấy tới khi nào? Có phải muốn đợi Tác-ta đánh đến cửa thành hay không? !
Hiện tại, kỵ binh Tác-ta đang hạ trại ngay dưới mí mắt biên quân, mục đích của bọn chúng là gì, chẳng cần nghĩ cũng có thể hiểu ra ngay được.
Thủ lĩnh Tác-ta là Khả Diên hãn, biệt hiệu “Tiểu vương tử”, cũng đã ở tuổi ba mươi, sau khi cướp lấy hãn vị từ trong tay chất tử liền lục tục dẫn binh thảo phạt các bộ lạc chư hầu ở mạc Nam(*), diệt trừ những tộc nhân thiểu số như Diệc Tư Mã, Hỏa Si, Diệc Bặc Lạt, gần như một tay thống nhất toàn Mông Cổ. Kế đó, hắn liên tục đánh bại bộ tộc Ngoã Lạt và Ngột Lương Ha hùng mạnh, trở thành thế lực lớn nhất ở vùng thảo nguyên.
(*) Mạc Nam: Vùng đại mạc (sa mạc) phía Nam Mông Cổ, tương tự mạc Bắc là vùng đại mạc phía bắc thôi
Trong thời Chính Tông(*), khi bộ tộc Ngoã Lạt xưng bá thảo nguyên, dân tộc Tác-ta đã bị chèn ép tới không cách nào thở nổi, chỉ có thể khom lưng chùn gối làm phận tôi tớ thấp hèn.
(*) Thời Chính Tông: 1436 -1449: Minh triều, Quân chủ: Minh Anh Tông (Chu Kỳ Trấn)
Ngày nay phong thuỷ luân chuyển thời thế xoay vần, tiểu vương tử ngồi lên hãn vị, Tác-ta ngày càng cường thịnh, mà bộ tộc Ngoã Lạt thì bị đủ loại chén ép chà đạp, không thể không lùi về mạc Bắc, nếu không phải là tình huống bất khả kháng tuyệt không giao du qua lại với người ở mạc Nam.
Ngột Lương Ha là bộ tộc có quan hệ vững chắc với Đại Minh nhất, nay bị Tác-ta đánh cho không còn biện pháp chống trả, buộc phải lui về cứ điểm đóng quân của Đóa Nhan tam vệ(*). Người lắm dê nhiều, kết quả là không đủ thảo nguyên và đồng cỏ, cuối cùng bọn họ ỷ vào binh hùng tướng mạnh, trực tiếp chạy tới địa phận của tộc Nữ Chân mà chăn nuôi sinh sống.
(*) Nói về Đóa Nhan tam vệ, trước xin giải thích sơ qua về khu vực thuộc địa phận Mông Cổ vào triều đại nhà Minh. Thời ấy Mông Cổ chỉ làm ba phần: phía Tây của Ngõa Lạt, phía Đông của Tác ta, và phía Đông Bắc là của Ngột Lương Ha. Đứng đầu Ngột Lương Ha là ba đội quân: Đóa Nhan vệ, Thái Ninh vệ và Phúc Dư vệ, ba đội quân này gọi chung là Đóa Nhan tam vệ, binh hùng tướng mạnh, phi thường thiện chiến, từng là thuộc hạ của Ninh vương thời Thái Tông Hoàng đế, được vương triều Đại Minh sử dụng.
Người xưa vẫn có một câu, cá lớn nuốt cá bé, cá bé lại nuốt tép tôm. Không làm gì được Tác-ta, nhưng khi dễ dân tộc Nữ Chân hoang dã còn chưa tiến hóa, đối với Ngột Lương Ha mà nói chỉ đơn giản như nuốt miếng điểm tâm thôi.
Đương nhiên, Đóa Nhan tam vệ của ngày hôm nay, cũng chỉ có thể bắt nạt đám người Nữ Chân, chứ đã sớm không còn cường hãn như thời Thái Tông Hoàng đế nữa.
Dân tộc Nữ Chân không ít lần vượt qua trở ngại trèo núi lội sông tới khóc lóc kể lể với triều đình nhà Minh. Nhưng khóc càng nhiều thì bị chèn ép lại càng lợi hại, cũng đúng thôi, kêu than hết ngày này qua tháng khác, tuy triều đình không phiền, nhưng Ngột Lương Ha lại cảm thấy vô cùng bực bội.
Từ đó về sau, kỵ binh Tác-ta hoành hành trên khắp thảo nguyên mạc Nam, diễu võ dương oai hoàn toàn không địch thủ.
Sau khi giải quyết vấn đề tồn đọng nơi thảo nguyên, tiểu vương tử liền quay ngược mũi giáo, trực tiếp nhắm về phía Minh triều.
Những tháng ngày du mục không dễ chịu.
Bản thân tiểu vương tử hay là các thủ lĩnh bộ lạc cũng đều tương đối “nghèo”, nếu gặp phải một năm không may mắn, cỏ nước không đủ đầy thì kiểu gì cũng đói bụng vài ngày. Đừng nói tới hoàng thất, chỉ cần so sánh với những quý tộc nhà Nguyên thua trận ở thời đầu triều Minh thôi, cũng đã chênh lệch giữa một trời một vực chẳng khác gì địa chủ với bần nông rồi.
Không tiền, không lương thực, không trâu dê muối trà, muốn tiếp tục sinh tồn, chỉ có một biện pháp duy nhất: đó là đánh cướp!
Bộ tộc Ngoã Lạt bị đuổi tới mạc Bắc, so với Tác-ta còn nghèo hơn, động binh đánh cướp bọn hắn một hồi, chiến lợi phẩm còn không bù lại nổi tổn thất khi hành quân nữa.
Ngược lại, Ngột Lương Ha tương đối là giàu có, thế nhưng sau khi bị bộ tộc láng giềng cướp bóc vài lần cũng liền khôn ra, kiên quyết thủ vững tam vệ, sống chết không chịu ló đầu, thà phi ngựa du mục khắp núi đồi, cũng không đánh giáp lá cà với Tác-ta.
Vì lẽ đó, lựa chọn cuối cùng của Tác-ta, chỉ có lại Đại Minh.
Với Tác-ta mà nói, Minh triều là một quái vật khổng lồ, đồng thời cũng là một miếng thịt béo đặt ngay trước mặt, mỗi lần há miệng, đều có thể cắn được vài phần nước xáo.
Thế nhưng, miếng thịt này cũng không phải thứ dễ bỏ vào miệng được, ngộ nhỡ gặp gỡ được một tên quan văn ngoan cố hoặc một gã biên tướng biết dụng binh, vậy thì trong thịt tất sẽ kèm thêm đá và xương cốt, không cẩn thận còn rụng vài cái răng cửa chứ chẳng đùa.
Trong thời Hoằng Trị, Thiên tử cắt cử hiền thần tài tướng, triều đình biết trọng dụng nhân tài, biên tướng đều dám liều chết đầu với quân địch. Binh bộ Thượng thư Lưu Đại Hạ liên thủ với Đô Ngự sử Dương Nhất Thanh, trấn thủ biên cương phía Bắc kiên cố tựa như tường đồng vách sắt.
Ngay cả những vệ sở hoang vắng, cũng chiêu binh bổ khuyết.
Miễn là thuế má được nộp đúng hạn định thì chẳng phải lo không chiêu mộ nổi tinh binh để đối kháng với Tác-ta.
Hoằng Trị đế bất chấp lời khuyên của Nội các, kiên trì ban hành một lượng lớn muối dẫn, tuy một phần là vì muốn xử lý ngoại thích cùng con cháu quý tộc, song mục đích cuối cùng vẫn là dự trù lương thực cho biên quân.
Đáng tiếc trời xanh chẳng dung tình, thời gian không đợi con người.
Việc muối dẫn còn chưa hoàn thành, Hoằng Trị đế đã cưỡi hạc quy tiên.
Hiện nay, đa số muối dẫn chưa được phát xuống, biên quân vẫn thiếu áo thiếu lương, đối chọi với sự xâm phạm có quy mô của Tác-ta, phần thắng chỉ chấp chới năm – năm, hơn nữa, đây còn là suy tính theo chiều hướng lạc quan.
Không phải là Lý Ngự sử sợ đối chiến, chẳng qua hắn muốn tính toán theo con đường ít hao binh tổn tướng nhất mà thôi.
Tuyên phủ chỉ cách kinh thành hơn ba trăm dặm, ngoại xâm hoàn toàn có khả năng xông thẳng từ phía Bắc vào tới tận cửa thành. Một khi kỵ binh Tác-ta đột phá được Tuyên phủ, tiến quân thần tốc nhắm vào Thuận Thiên, vậy thì cảnh tượng đáng kinh hãi những năm Chính Tông sẽ tái diễn một lần nữa.
“Phải cố thủ!”
Lý Tiến không dám mạo hiểm, cũng không thể nào mạo hiểm.
Thà bị người đời gọi là kẻ nhát gan, hắn cũng tuyệt không thể tùy tiện đưa ra hành động, nhất là khi ván cược kia, hắn không nắm nổi trên năm phần thắng lợi.
Trương Tuấn thì không như vậy.
Trấn thủ Tuyên phủ nhiều năm, giao chiến với kỵ binh Tác-ta không dưới mười lần, Trương tổng binh biết rõ sự giả dối của Khả Diên hãn.
Ý định của hắn là cứ xuất binh vừa đánh vừa kéo dài thời gian, cùng lúc đó dùng bồ câu gửi cấp báo tới triều đình, xin quân tiếp viện. Biện pháp cố thủ ẩn náu phía sau tường thành thoạt nhìn có vẻ ổn thỏa, kì thực lại chính là phơi bày nhược điểm trước mắt đối phương, nói cho Tác-ta biết rõ ràng rằng, binh lực quân ta không đủ, sĩ khí không phấn chấn, mời bọn chúng cứ yên tâm mà xông thẳng vào đây!
“Ngoại xâm có không ít kẻ biết dụng binh, dưới tay nắm giữ hơn sáu trăm vạn binh lính, đều là loại hung hăng thiện chiến, hơn nữa còn có khả năng cấu kết với gian tặc trong nước mà bày mưu tính kế rồi mới tiến công. Lần dẫn binh xâm phạm biên cương này, nếu như bọn chúng đã phối hợp đủ trong – ngoài, tất sẽ không chịu từ bỏ ý đồ mà dễ dàng rút quân đâu.”
“Cố thủ trong thành thực sự không phải là một kế sách vẹn toàn, chia quân ra trấn thủ từng quan ải, cho khoái mã chạy tới Đại Đồng báo tin, đồng thời huy động quân binh mai phục đánh úp, thừa dịp kẻ thù chưa có chuẩn bị mà tận diệt, đó mới là lựa chọn hàng đầu!”
Tài ăn nói của Trương Tuấn không thể sáng bằng Lý Tiến, thế nhưng kinh nghiệm dụng binh nhờ trải qua thao luyện hàng ngày mà đã đạt tới mức độ cao hơn.
Song, cho dù hắn có nói rách mép thì Lý Ngự sử vẫn kiên trì bảo vệ ý kiến của mình.
Mật thám tiếp tục hồi báo trong đêm, Tác-ta đã bắt đầu nhổ trại, chia quân nhắm vào hai cửa khẩu Tân Khai và Tân Hà. Tình huống vô cùng nguy cấp không cách nào trì hoãn thêm được, Trương Tuấn cắn răng, xiết chặt hai nắm đấm, uất hận đến mức con mắt đỏ ngầu.
“Hai vị, hãy nghe ta nói một câu.”
Lưu Thanh vẫn luôn bảo trì trầm mặc rốt cuộc mở miệng, nói: “Ta cho rằng, Lý Ngự sử nói vậy tất cũng có cái lý riêng, thế nhưng Tác-ta là loại lang sói hung tàn bạo ngược mất hết tính người, bọn chúng đi đến đâu là đầu rơi máu chảy, sinh linh đồ thán đến đó. Nếu binh tướng một mực trốn ở trong thành, dân chúng vùng biên cương nhất định sẽ lâm vào đại nạn.”
Lưu Thanh chắp ống tay áo, trên người mặc một kiện sam y cổ tròn màu trắng, khuôn mặt già nua chi chít nếp nhăn, nhưng mỗi một câu nói đều bao hàm trí tuệ và sự lão luyện được đúc kết sau vô vàn sóng gió.
“Ta không dám tự nhận là người rành binh pháp, chỉ biết năm xưa Thái tông Hoàng đế dời đô cũng là vì coi việc gìn giữ nước nhà, bảo hộ vạn dân bình an sinh sống là tôn chỉ của một Thiên tử. Vì lẽ đó, trách nhiệm của biên quân, chính là gìn giữ đất đai, bảo vệ dân lành, chiến đấu với ngoại xâm.”
Dù cho lực chiến không địch lại kẻ thù, có ra ma thì anh linh cũng được vài phần an ủi.
Ngược lại, cố thủ trong thành, mắt mở trừng trừng nhìn dân chúng bị gót sắt ngoại xâm dày xéo, đặt tay lên ngực tự hỏi một câu, có thấy hổ thẹn với hồn thiêng của những tiên tổ đã vùi thây chôn xác tại một mảnh thảo nguyên này hay không.
Nói đến đây, Lưu Thanh khẽ rũ mắt, không nhiều lời nữa.
Lý Tiến im lặng.
Trương Tuấn dùng sức nắm tay, liếc nhìn Lý Ngự sử một cái, cũng không tranh chấp cùng hắn nữa, trực tiếp ra lệnh thuộc hạ đi bố trí phòng thủ các quan ải vùng biên, đồng thời điều động binh mã ở các vệ sở âm thầm mai phục những nơi hiểm yếu.
Tham tướng Du kích Trương Hùng ôm quyền lĩnh mệnh, mặc giáp điểm binh chuẩn bị ra quân.
Đợi Trương Tuấn rời đi, Lý Tiến vẫn cứ nhíu chặt lông mày, nhìn về phía Lưu Thanh, nhịn không được nói: “Lưu công công, lần này thực là mạo hiểm. Chỉ cần sơ ý một chút, ngoại xâm sẽ có khả năng tiến quân thần tốc gây nguy hiểm cho kinh thành!”
“Lý Ngự sử vẫn muốn cố thủ trong thành đấy ư?” Lưu Thanh thậm chí không động lông mày, cứ thế ngồi yên trên ghế, càng nhìn lại càng lộ vẻ già nua.
Lý Tiến lắc đầu, người nọ đã nói đến nước ấy, nếu tiếp tục giữ vững ý định của mình mà bất chấp mối nguy hại đang rình rập con dân biên giới, hắn còn là người hay sao?
“Theo bản quan, chi bằng nhanh chóng sai người tới Thái Nguyên, liên hệ với Tấn vương cùng Đô đốc Thiên Thành, Linh Khâu để xin quân tiếp viện.”
“Thái Nguyên?”
Lưu Thanh ho khan hai tiếng, trên mặt lộ ra một tia cười lạnh.
“Lưu công công cho rằng làm vậy không ổn?”
Đâu chỉ là không ổn.
Lưu Thanh vẫn cười lạnh.
Sai người tới Thái Nguyên, hiển nhiên không mất nhiều thời gian bằng cho khoái mã chạy về kinh xin triều đình cấp binh cứu viện. Nhưng nói về cái tâm tư sâu kín của Tấn vương, người nọ cứ tự cho rằng bản thân đã che giấu thật tốt, song trên thực tế Cẩm Y vệ cùng Đông xưởng sớm đã điều tra rõ ràng rồi. Cuộc chiến giữa triều đình và Phiên vương, một người xuất thân từ Ngự Mã giám lại từng làm Quản đốc Đông xưởng như Lưu công công ắt hẳn nắm được rõ rành rành, chỉ là không tiện nói cho Lý Tiến biết.
Từ thời Thái tổ Cao hoàng đế, phủ Tấn vương đã trấn thủ ở Thái Nguyên, với căn cơ gốc rễ cắm sâu như thế, một khi không có chứng cứ xác thực, hắn cũng không dám lộ ra nửa phần tin tức. Chỉ một chút sơ suất sẽ trở thành vũ khí dưới ngòi bút của đám Ngôn quan trong triều, lúc ấy không chỉ Xưởng công khó làm, mà e rằng còn hại tới Thái tử điện hạ cũng chẳng biết chừng.
Người xuất thân từ nội cung đều hiểu rõ, không quản tốt tay chân thì cũng chẳng làm sao, thế nhưng tuyệt đối không thể nào không biết giữ mồm giữ miệng.
Cuối cùng, dưới sự can thiệp của Lưu Thanh, Lý Tiến ngừng tranh cãi, tiếp thu đề nghị của Tổng binh Trương Tuấn, bỏ qua kế sách cố thủ trong thành, đồng ý chia quân trấn giữ các cửa ải, phát động dân chúng tăng cường gia cố trấn Sài Câu, thiết trí kị binh trước khe núi Thổ Bảo, phái ra một lượng lớn mật thám, ngày đêm dò la tình hình quân địch.
Phó tổng binh Đại Đồng – Hoàng Trấn đến hỏi thăm quân tình, còn tự mình dẫn binh tới tiếp viện, cùng Tổng binh Tuyên phủ – Trương Tuấn tập hợp tại thành Vạn Toàn Hữu Vệ(*), tổng cộng có một vạn năm nghìn người, cùng nhau kháng địch.
(*) Thành Vạn Toàn Hữu Vệ: thành cổ từ thời Minh, nằm ở phía Bắc huyện Vạn Toàn tỉnh Hà Bắc, được khởi công vào năm thứ hai mươi sáu thời Hồng Vũ, sau nhiều lần gia cố trùng tu đến nay vẫn được coi là một di sản văn hóa trọng điểm.
Ngày Kỷ Dậu, tháng sáu, kỵ binh Tác-ta mạnh mẽ đánh tới cửa khẩu Tân Khai.
Đại quân tiếp cận, gót sắt rền vang, đao kiếm đua nhau vang lên những thanh âm đinh tai nhức óc.
Tham tướng Lý Kê cầm thương ra trận, liều chết nghênh địch. Hoàng Trấn, Trương Hùng dẫn bộ binh lần lượt tới địa điểm trấn thủ trong kế hoạch, canh phòng nghiêm cẩn từng biến động của Tác-ta.
Vào lúc hoàng hôn, tường thành bị tàn phá nặng nề, máu tươi nhuộm đất thành một màu đỏ chói.
Lý Kê thân mang trọng thương, binh lính dưới trướng không còn đến một phần mười, thừa dịp màn đêm buông xuối lui về trấn thủ tại một trấn giáp ranh biên giới, bị vây khốn bởi cường địch hùng mạnh gấp mấy lần, nguy cơ cận kề trước mặt.
Cửa khẩu Tân Khai thất thủ, phòng tuyến chắc chắn sẽ bị đánh tan.
Tổng binh Trương Tuấn tự mình dẫn ba nghìn quân tới tiếp viện, trên đường lại bị Tác-ta mai phục. Trương Tuấn xuống ngựa, vung đao chém chết ba kỵ binh, lấy một địch trăm không hề xước xát một mảnh da, đáng tiếc, kết quả lại bị trẹo chân, đi đường khập khiễng, ngay cả lên ngựa cũng trở thành một vấn đề.
Đối mặt với ánh mắt vừa kinh hãi vừa do dự của binh lính dưới quền, Trương tổng binh nổi đầy gân xanh trên trán, trực tiếp quát lớn: “Nhìn cái con mẹ gì! Mau đỡ lão tử lên ngựa, đuổi theo!”
Trên đường truy đuổi lại gặp được viện quân của Đô Chỉ huy sứ Tào Thái, hai bên hội họp bàn bạc rồi lại phân ra lần thứ hai. Tào Thái nhanh chóng dẫn quân lên núi Lộc Giác, Trương Tuấn tiếp tục đi tiếp ứng cửa khẩu Tân Khai.
Chiến đấu kịch liệt suốt hai ngày hai đêm, Lý Kê trọng thương được cứu, Tào Thái lại gặp phải chủ lực của Tác-ta ở núi Lộc Giác, lâm vào khổ chiến một phen. Tham tướng Trương Hùng dẫn binh đi cứu viện, bị vây hãm tại khe núi, sau cùng vì kiệt sức mà chết trận.
Khoái mã phi như bay về tới kinh thành, biên quân đã giao chiến với Tác-ta mấy ngày, thắng ít bại nhiều.
Dưới trướng Tổng binh Trương Tuấn, bất kể là Thiên hộ, Bách hộ hay là quân sĩ gần như người nào cũng bị thương, một thân nhiễm máu. Trường thương của Tả Tham tướng Lý Kê đã gãy, không ít đao kiếm binh lính đều rớt lại chiến trường.
Khi lui về thành Vạn Toàn Hữu Vệ, Tuần phủ Đô Ngự sử Lý Tiến và Thái giám trấn thủ Lưu Thanh liền dẫn quân ra khỏi thành tiếp viện.
Bởi vì phần lớn đại quân đã ra khỏi thành ác chiến với Tác-ta, cho nên đội quân hai người bọn họ chỉ huy đa số đều là biên dân cường tráng song lại không có bao nhiêu sức chiến đấu, lực lượng duy nhất có thể chống lại kỵ binh Tác-ta chỉ có mật thám do Cẩm Y vệ và Đông xưởng phái tới trấn thủ.
Một đôi quân không chuyên như vậy, tất nhiên không cách nào ngăn được gót sắt của Tác-ta, chẳng qua chỉ muốn tranh thủ thời gian cho Trương Tuấn hòng bảo tồn chủ lực biên quân.
Sau trận chiến, Đô Chỉ huy sứ Tào Thái, Tham tướng du kích Trương Hùng chết trận, binh sĩ bỏ mạng hai nghìn một trăm sáu mươi lăm người, chiến mã tổn thất sáu ngàn năm trăm lẻ bảy con. Người bị thương nhiều vô số kể.
Tác-ta thừa thắng xông lên cướp bóc, lại phát hiện phần lớn biên dân đã trốn trong thành, trừ nồi niêu bát đĩa ra thì một con gà cũng không lưu lại.
Thì ra khi Trương Tuấn xuất binh, Lý Tiến và Lưu Thanh cũng không nhàn rỗi, bọn họ sai người chiêu mộ dân phu cường tráng, đồng thời báo cho dân chúng vùng biên về thảm hoạ chiến tranh với Tác-ta ở ngoài thành trong tương lai.
Thân ở biên cương phía Bắc, gần như hàng năm đều gặp phải nạn cướp của đám Tác-ta một lần, cho nên bất kể lão nhân già cả hay là hài tử để tóc trái đào cũng đều sâu sắc hiểu được tình cảnh hiểm nguy ấy, thấy biên quân và lý trưởng gõ chiêng triệu tập, không nói hai lời liền mang theo lương thực và súc vật, vội vã rời đi.
Nhà cửa bị thiêu rụi có thể xây dựng lại, gia cụ mất rồi có thể đi mua, kể cả lương thực có bị tước đoạt, triều đình cũng sẽ cứu trợ, nhưng nếu người chết thì tất cả đều là hư không.
Kết quả là, Trương Tuấn ở phía trước khổ chiến, Lý Tiến Lưu Thanh ở phía sau động viên, trong ngoài phối hợp nhuần nhuyễn, mặc dù Tác-ta thắng trận, cũng không vớ được chút béo bở nào.
Trong cơn tức giận, thủ lĩnh Tiểu vương tử hạ lệnh, không đi! Hạ trại ngay tại chỗ, chờ đánh tiếp!
Trên thực tế, hắn có muốn đi cũng không được, các thủ lĩnh bộ lạc dưới trướng căn bản sẽ không đồng ý.
Trước khi xuất phát đã ba hoa chích choè đủ thứ, nào là lương thực vàng bạc tùy tiện vơ vét, nữ nhân trâu bò mặc sức cướp đi. Kết quả thì thế nào? Người đã chết thì không ít, thế nhưng ngay cả một cái đùi dê cũng chưa lấy được!
Tổng binh Trương Tuấn liều cái mạng già, biên quân thương vong vô cùng nghiêm trọng, Tác-ta cũng không phải da sắt mình đồng, tất nhiên cũng chết trận hoặc là bị thương không ít, tính sơ sơ con số cũng tới cả ngàn.
Tổn thất lớn như vậy, nếu không lấy được lợi lộc bù vào thì hậu viện của Khả Diên hãn cũng bị châm lửa đốt trụi.
Tác-ta hạ trại lần thứ hai, quyết ý chiến đấu một trận sống còn vùng biên quân.
Quân tình càng lúc càng nguy cấp, Trương Tuấn, Lý Tiến, Lưu Thanh đều gấp đến độ nôn ra máu, liên tục điều khoái mã chạy về kinh, mục đích chỉ có một: chống đỡ không nổi, cầu xin tiếp viện!
Nhận được tin báo, Nội các cùng Bộ binh đều căng thẳng cực kỳ, đồng thời nhất trí việc xuất binh. Đối mặt với sự xâm phạm của giặc ngoài, Nội các và lục bộ đều không có xu hướng nhân nhượng hay mềm mỏng.
Hoàng đế bị bắt còn có thể lập tân đế khác, bá quan văn võ Đại Minh nào có cần phải sợ ai!
Song, đối với chuyện phái viện quân, trong triều lại xảy ra tranh cãi.
Dự vào quân tình mà cân nhắc, Thượng thư Binh bộ Lưu Đại Hạ hy vọng có được sự hỗ trợ từ phía vệ quân Thái Nguyên và Đại Đồng, nhưng Nội các lại không đồng ý, cho rằng phải phái quân lính kinh thành đi mới là thỏa đáng.
Lưu Đại Hạ tính tình nóng nảy, dám vỗ bàn trước mặt Thủ phụ Nội các Lưu Kiện, nói nếu người sau không cho hắn một lý do thích đáng, hắn quyết không chịu nhún nhường.
Lưu Kiện tức giận đến mức mặt mũi tái xanh.
Lý do, lý do cái gì nữa? Phiên vương không mang lòng thần phục, một mai tay cầm binh quyền thì giang sơn xã tắc sẽ gặp phải đại họa ra sao?
Nhưng, điều này thế nào mà nói ra ngoài miệng được?
Nói ra, cho dù không đại loạn cũng sẽ nảy sinh rắc rối vô cùng!
Ngay khi Lưu Thượng thư và Lưu đại học sĩ phồng mang trợn mắt, bày ra tư thế lúc nào cũng có thể xắn tay áo đánh nhau thì Hoàng thái tử Chu Hậu Chiếu đột nhiên khoát tay ngăn cản, hàm hồ nói: “Hai vị tiên sinh đừng cãi vã, cô gia muốn noi theo Thái tông Hoàng đế, thân chinh ra trận!”
Lưu Kiện và Lưu Đại Hạ đồng thời khựng lại, nhất loạt trừng mắt, quay đầu, thiếu chút cái cổ bị xoay đến gãy làm hai nửa.
“Điện hạ?”
Là bọn hắn tuổi già tai điếc cho nên nghe lầm, có phải không?
Không mảy may thông cảm cho nỗi sầu lo của cựu thần, Chu Hậu Chiếu xiết chặt nắm tay, tiếp tục nói ra những lời vạn phần khí phách: “Cô gia muốn dẫn mười vạn tinh binh, dắt ngựa uống nước thảo nguyên, bình định Tác-ta!”
Lưu Kiện: “…”
Lưu Đại Hạ: “…”
Văn võ toàn triều: “…”
Bất kể bá quan văn võ ủng hộ Lưu Thượng thư hay là Lưu Đại học sĩ, thời này khắc này, đều phi thường ngưỡng mộ Chu Hậu Chiếu mà muốn bộc bạch duy nhất một câu: Điện hạ, xin đừng quậy nữa!
Dương Toản từ thất phẩm thăng lên hàng ngũ phẩm, miễn cưỡng có tư cách vào triều, vừa nghe Chu Hậu Chiếu nói thế, cũng mất nửa ngày không phục khôi phục được tinh thần.
Hắn nhìn trái ngó phải một phen, tâm tình phải nói rất là vi diệu.
Thái tử điện hạ cầu tiến, rất tốt lắm. Thái tử điện hạ có chí, cũng rất tốt. Nhưng mà chí lớn vượt trời, chưa học bò đã lo học chạy, quả thực khiến người ta không cách nào yên tâm được.
Hắn cúi đầu, thái dương cũng lập tức phát đau.
Tính cả tuổi mụ, năm nay Chu Hậu Chiếu mười lăm tuổi, còn chưa ra khỏi kinh đô lần nào đã muốn cầm quân chinh phạt thảo nguyên, cái này có khác nào nằm mơ giữa ban ngày ban mặt, Nội các chắc chắn sẽ không đáp ứng, nhưng muốn đè nén tân tư nổi loạn của tuổi thiếu niên, chỉ e cũng thực khó khăn.
Nói nhẹ không có tác dụng, nói nặng lại càng không được.
Chỉ cần sơ sẩy một tí thì những nỗ lực trước kia sẽ trở thành vô nghĩa. Nếu Chu Hậu Chiếu đối chọi gay gắt với triều thần, trong lòng không cách nào thông thuận, kẽ hở cho Lưu Cẩn chui rúc sẽ hình thành, mọi chuyện một lần nữa lăn theo bánh xe lịch sử.
Nghĩ đến đây, Dương Toản bỗng nhiên có cảm giác đầu mình phình lớn gấp đôi.